Tài liệu tham khảo

Ăn nghệ bao nhiêu là đủ?

Lượng curcumin từ nghệ được khuyến cáo tối đa 3 mg trên một kg cân nặng người dùng, tương đương 5 g bột nghệ với người 50 kg.

Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên Đại học Y dược TP HCM, nghệ có chứa hợp chất chống oxi hóa polyphenol curcumin và tinh dầu nghệ có tính kiềm giúp làm giảm nồng độ axit trong dịch vị dạ dày. Nghệ vàng còn giúp làm lành vết loét, mờ sẹo, chống viêm, là một vị thuốc chữa đau bao tử hiệu quả.

JECFA (Ủy ban chuyên gia quốc tế về Phụ gia thực phẩm) và EFSA (Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu) khuyến nghị lượng curcumin trong chế phẩm từ nghệ an toàn ở mức tối đa là 3 mg trên một kg cân nặng người dùng, nếu bạn nặng 50 kg thì mức tiêu thụ tối đa chỉ nên 150 mg curcumin một ngày (tương đương 5 g bột nghệ).

Lượng bột nghệ sử dụng như một gia vị chế biến thực phẩm được xem là an toàn, nhưng nếu liều lượng cao hơn có thể gây bất lợi cho sức khỏe.

"Người tiêu thụ từ 500 mg cucurmin (tương đương 15 g bột nghệ) trở lên có dấu hiệu tiêu chảy, nhức đầu, ngứa, sử dụng lâu dài có thể tổn thương gan và tổn thương tế bào", bà Phụng nói. Dùng riêng curcumin qua đường uống sẽ không đem lại lợi ích sức khỏe vì khả năng cơ thể hấp thu curcumin kém, dễ bị đào thải ra ngoài. 

Dược sĩ Phụng khuyên chỉ cần tiêu thụ lượng nhỏ bột nghệ hoặc nghệ tươi kết hợp với piperine (chất có trong tiêu đen) để tăng khả năng hấp thu của curcumin vào cơ thể lên đến 2.000%. Sử dụng nghệ tươi hoặc bột nghệ để kho cá, thịt cùng với một chút tiêu đen là đủ để đem lại lợi ích sức khỏe.
https://vnexpress.net/suc-khoe/an-nghe-bao-nhieu-la-du-3945503.html


Cây nhàu giúp trị tăng huyết áp, nhức mỏi, mất ngủ

Suckhoedoisong.vn - Cây nhàu thường có nhiều ở các tỉnh phía Nam, có hai loại nhàu vườn và nhàu núi. Nhàu cũng là cây được người dân sử dụng làm rau làm thuốc.

Lá nhàu có tính bổ dưỡng thường được nấu canh kho cá, om lươn, hấp cá, gói thịt... Quả, rễ nhàu thường được sử dụng phơi khô, sắc uống, quả ăn tươi chấm muối, ngâm rượu...

Theo dược tính hiện đại, trong quả nhàu có tới 29 loại axit hữu cơ, tinh dầu và nhiều loại axit amin, caroten, vitamin C, sắt, Mg, Ca, K, Na đều là dưỡng chất có lợi cho sức khỏe.

Theo y học dân gian, quả nhàu vị hăng nồng, tính mát, trị nhức mỏi xương khớp, dùng dưới dạng quả chín phơi khô ngâm rượu hoặc sắc uống... Rễ  nhàu vị hơi đắng, tính ấm nhưng đều có tác dụng hoạt huyết thông kinh, giảm đau, nhuận tràng, an thần, trừ phong thấp, trợ tiêu hóa, trị tăng huyết áp, chóng mặt, mất ngủ, đau lưng nhức mỏi chân tay, dùng dưới dạng đào rễ thái lát phơi khô mỗi lần 20g hoặc hơn sắc ngâm rượu hoặc phối hợp vị thuốc khác ngâm rượu uống.

Rễ nhàu đã được GS. Ikeda thuộc Trung tâm nghiên cứu vệ sinh quốc gia Nhật Bản thí nghiệm trên vật nuôi và nhận thấy rễ nhàu có tác dụng: nhuận trường và lợi tiểu nhẹ, làm êm dịu thần kinh, hạ huyết áp kéo dài, rất ít độc và không gây nghiện. Nhiều nhà nghiên cứu còn tìm ra nhàu có nhiều chất  bổ dưỡng, giảm đau trợ tiêu hóa, hạ huyết áp, chế thực phẩm chức năng. Có thể nói nhàu là vị thuốc thông được huyết mạch, chữa chứng nhức mỏi, tê tay chân, đau đầu chóng mặt, thiếu máu não, thiếu máu cơ tim.

Chữa đau lưng nhức mỏi cơ khớp: quả nhàu gần chín thái lát phơi khô sắc uống hoặc ngâm rượu uống ngày 15-20g.

Chữa táo bón: quả nhàu chín chấm muối ăn ngày 1-2 quả.

Chữa tăng huyết áp, nhức mỏi, chóng mặt, mất ngủ: rễ nhàu thái lát phơi khô sắc uống ngày 20-30g hoặc phối hợp với ngưu tất, hoa hoè, sinh địa mỗi vị 12-16g.

Chữa nhức mỏi: rễ nhàu 200g thái lát ngâm 1 lít rượu ngon, ngày uống 1-2 ly nhỏ.

Chữa đau đầu chóng mặt, mất ngủ (do huyết ứ): rễ nhàu 50g, ngưu tất 20g, thảo quyết minh 15g sắc uống.

Quả nhàu vị mát, rễ có vị ấm hơn đều có tác dụng hoạt huyết thông kinh do vậy những trường hợp đau nhức do huyết ứ, đau đầu chóng mặt mất ngủ do máu lên não kém đều có thể sử dụng. Tuy nhiên, nhàu không thể thay thế được vị thuốc có tác dụng bổ khí hoặc bổ huyết của y học cổ truyền.

Lưu ý: nhàu có tính thông kinh hoạt huyết mạnh nên không dùng cho phụ nữ có thai.

Lương y: Minh phúc
https://suckhoedoisong.vn/cay-nhau-giup-tri-tang-huyet-ap-nhuc-moi-mat-ngu-n136573.html

 

Diệp hạ châu - Thuốc tiêu độc, lợi mật, lợi tiểu

Suckhoedoisong.vn - Diệp hạ châu còn có tên chó đẻ răng cưa, chó đẻ, cam kiềm. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây khô của cây chó đẻ răng cưa (Phyllanthus urinaria L.), họ thầu dầu (Euphorbiaceae).

Thu hái vào hè thu, nhổ cả cây, rửa sạch, phơi âm can. Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc.

Cây cao khoảng 30cm, nhẵn, mang nhiều cành nhỏ, màu hơi tía. Lá mọc so le, xếp thành hai dãy sít nhau, trông như lá kép lông chim. Phiến lá thuôn bầu dục hay trái xoan ngược, dài 0,5 - 1,5cm, đầu nhọn hay hơi tù, màu xanh sẫm ở mặt trên, xanh nhạt ở mặt dưới, không cuống hay có cuống ngắn. Hoa màu trắng, mọc ở dưới lá, đơn tính, hoa đực và hoa cái cùng gốc. Quả nang hình cầu, nằm sát dưới lá. Quả có 6 hạt, hạt hình tam giác, màu nâu nhạt, lưng hạt có vân ngang.

diep-ha-chau-thuoc-tieu-doc-loi-mat-loi-tieu-1

Diệp hạ châu tác dụng tiêu độc, thông huyết, thanh can mật, lợi tiểu... trị  viêm gan virut, viêm ruột tiêu chảy.

 

Về thành phần hóa học, diệp hạ châu chứa flavonoid (kaempferol, quercetin, rutin...), triterpen (stigmasterol, õ-sitosterol...), tannin (acid elagic, acid galic...), acid hữu cơ...

Theo Đông y, diệp hạ châu vị ngọt đắng, tính bình; vào kinh can và phế. Có tác dụng tiêu độc, thông huyết, thanh can lợi mật, lợi tiểu. Chữa viêm gan hoàng đản, viêm họng, mụn nhọt, viêm da thần kinh, viêm thận, phù thũng, sốt rét, viêm ruột tiêu chảy. Ngày dùng 8 - 12g.

Một số bài thuốc có diệp hạ châu

 

Tiêu độc:

Bài 1: diệp hạ châu 1 nắm, giã hoặc xay nát với ít muối, ép nước uống, bã đắp vào chỗ đau. Chữa nhọt độc sưng đau.

Bài 2: lá chó đẻ, lá thồm lồm liều lượng bằng nhau; đinh hương 1 nụ. Tất cả giã nát, đắp chỗ đau. Chữa lở loét không liền miệng

Thanh can lợi mật:

Bài 1: diệp hạ châu 24g, nhân trần 12g, chi tử 8g, sài hồ 12g, hạ khô thảo 12g. Sắc uống; uống liên tục 3 tháng. Trị viêm gan virut B.

Bài 2: diệp hạ châu 30g, mã đề thảo 20g, chi tử 12g. Sắc uống. Chữa viêm gan vàng da, viêm ruột tiêu chảy.

Bài 3: diệp hạ châu 16g, bồ bồ 16g, vỏ bưởi khô 5g, hậu phác 8g; thổ phục linh, tích huyết thảo, chi tử, rễ đinh lăng mỗi vị 12g; vỏ cây đại 8g. Sắc uống. Chữa viêm gan virut.

Thông huyết, hoạt huyết:

Bài 1: lá chó đẻ, mần tưới mỗi thứ 1 nắm, có thể thêm bột đại hoàng 8g. Tất cả giã nhỏ, thêm đồng tiện, vắt lấy nước uống; bã đắp. Chữa vết thương ứ máu.

Bài  2: lá chó đẻ 1 nắm, giã nhỏ, thêm ít vôi tôi, đắp lên vết thương khi bị thương, bị chém chảy máu.

Chữa sốt rét:

Bài 1: cây chó đẻ 8g, dạ giao đằng 10g, thường sơn 12g, thảo quả 10g, lá mãng cầu tươi, dây gân 10g, dây cóc 4g, binh lang 4g, ô mai 4g. Sắc uống trước khi lên cơn 2 giờ. Chữa sốt rét.

Bài 3: diệp hạ châu 12g, cam thảo đất 12g. Sắc uống hàng ngày. Chữa suy gan, sốt rét, nhiễm độc nổi mẩn mụn do nhiệt.

Bài 4: cây chó đẻ 10g, cỏ nhọ nồi 20g, xuyên tâm liên 10g. Các vị tán bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 4 - 5g. Chữa sốt rét.

Ngoài cây chó đẻ răng cưa trên, người ta còn dùng cây chó đẻ răng cưa thân xanh - diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus Schum. et Thonn.). Cây cao hơn, cành có màu xanh, vị đắng; tác dụng như cây trên.

Kiêng kỵ: phu nữ có thai không dùng.

TS. Nguyễn Đức Quanghttps://suckhoedoisong.vn/diep-ha-chau-thuoc-tieu-doc-loi-mat-loi-tieu-n156621.html?fbclid=IwAR3XDDXn-YVrlcjLEiys7spaPKozFI1DsUrppDmlyQNZnMQrlpO4cr-0KgQ

 

 

CHI NHÁNH CÔNG TY